5 biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường

Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt đối với những người không kiểm soát tốt đường huyết. Vậy đó là những biến chứng nào? Mức độ nguy hiểm của chúng ra sao bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây:

Biến chứng mắt

Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường. Dần dần, người bệnh bị suy giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ một số bệnh về mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, phù hoàng điểm.

Các vấn đề về tim mạch

Theo thống kê của Chương trình phòng ngừa bệnh tiểu đường Quốc gia, hơn 65% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường là do bệnh tim và đột quỵ. Sự xuất hiện và tiến triển của bệnh về tim mạch là hệ lụy khó tránh khỏi với người bệnh tiểu đường. Họ dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não dẫn đến các di chứng liệt hoặc tử vong.

5 biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường - Ảnh 1.

Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh thần kinh tiểu đường

Đây là biến chứng phổ biến và thường xuất hiện sớm nhất ở người bệnh đái tháo đường, bao gồm:

- Bệnh thần kinh ngoại biên: Ảnh hưởng đến những dây thần kinh giúp con người cảm nhận được cảm giác đau, nóng hoặc tiếp xúc và thần kinh kiểm soát vận động, di chuyển cơ bắp.

- Bệnh thần kinh tự chủ: Ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát hoạt động tự chủ; chẳng hạn như: nhịp tim, nhịp thở, tuyến tiết (mồ hôi, dịch tiết)…

Bệnh thận

Lượng đường trong máu cao gây tổn thương tới hàng triệu vi mạch (mạch máu nhỏ) tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nguy hiểm hơn là dẫn đến suy thận không hồi phục.

5 biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường - Ảnh 2.

Bạn nên đến cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị khi bị tiểu đường

Biến chứng nhiễm trùng của tiểu đường

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Lân - Bệnh viện Thu Cúc: "Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi khiến vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, rất dễ bị nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền… Tình trạng viêm nhiễm này thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị."

Nếu nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng như: sốt; dịch âm đạo có mùi khó chịu; đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, có máu hay mùi hôi hoặc khi có các vết thương hay xây xước nhỏ lâu lành... Người bệnh cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị.