Dễ nhầm với mang thai
Chị Hoàng Thu H. – 24 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định chưa kịp vui mừng vì sắp được làm mẹ thì chị lại được bác sĩ chẩn đoán ung thư nhau thai.
Chị H. đang tạm trú tại Đống Đa, Hà Nội cưới chồng từ hơn 5 tháng trước. Vợ chồng chị không thực hiện biện pháp kế hoạch hoá nào nên vẫn mong chờ tin vui. Chu kỳ kinh nguyệt của chị H, lại thất thường trung bình 2 – 3 tháng mới có 1 lần nên chị không biết khi nào là tin vui hay chậm kinh bình thường.
Khoảng 3 tuần trở lại đây, chị H, thấy người mệt, buồn nôn và không muốn ăn. Chị H. nghĩ có thể có thai, mua que về thử lên hai vạch nhưng sợ ảnh hưởng tới con nên chị chưa đi siêu âm. Đến khi thấy đau bụng, ra máu chị mới đến bác sĩ khám.
Nhiều chị em siêu âm không thấy tim thai mà chỉ thấy chửa trứng chùm như trứng ếch
Bác sĩ siêu âm không có túi ối, tim thai mà chỉ thấy lùng nhùng một chùm giống như trứng ếch nên nghi ngờ chửa trứng. Bác sĩ khuyên chị H. nên vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra.
Tại đây, bác sĩ siêu âm tử cung không có thai mà có tổn thương nhau thai, đánh giá thêm tình trạng gan, ổ bụng, xét nghiệm máu thấy Beta HCG huyết thanh tăng cao. Kết quả sinh thiết chị H. dương tính với ung thư nguyên bào nuôi hay còn gọi ung thư nhau thai.
Trường hợp của chị Bùi Thị Nhi – Kim Bôi, Hoà Bình cũng bị ung thư nhau thai. Chị Nhi tưởng mình có thai và uống thuốc dưỡng thai thường xuyên. Vì đã sinh con hai lần nên lần mang thai này chị Nhi có kinh nghiệm và sống chung với nghén ngẩm buồn nôn.
Tuy nhiên, mới được hơn 10 tuần mà bụng chị to lên nhiều kèm theo đau bụng vùng dưới rốn.
Chị Nhi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ siêu âm thấy buồng tử cung to hơn với tuổi thai, định lượng Estrogen trong nước tiểu thấp hơn thai thường do sự rối chế tiết của bánh rau và không có sự biến đổi Estradiol thành Estriol ở tuyến thượng thận của thai nhi nên nghi ngờ ung thư nhau thai và kết quả sinh thiết dương tính với ung thư.
Bệnh diễn tiến nhanh
BS CKII Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ ung thư (bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết ung thư nhau thai (hay còn gọi là u nguyên bào nuôi) là bệnh ung thư ác tính ở phụ nữ và bệnh tiến triển rất nhanh.
Bệnh có 2 biểu hiện điển hình gồm: Ra máu âm đạo bất thường (rong kinh, rong huyết, băng huyết…) và đau bụng ở vùng dưới rốn. Do tỷ lệ mắc bệnh này ở phụ nữ mang thai không nhiều nên hầu hết sản phụ chủ quan, ít tìm hiểu.
Bệnh thường có dấu hiệu đau bụng dưới rốn
Đa phần bệnh nhân khi phát hiện mắc ung thư nhau thai thì bệnh đã tiến triển nặng, di căn nhiều nơi khiến việc điều trị phức tạp, rất tốn kém mà tiên lượng bệnh xấu. Chưa kể, bệnh nhân dùng đa hóa chất còn có thể xảy ra một số nguy cơ như: Suy tủy, suy gan hoặc suy nhiều chức năng của cơ thể và khả năng tái phát tăng cao.
Trong khi đó, nếu phát hiện sớm, điều trị ung thư nhau thai rất đơn giản, tiên lượng điều trị tốt vì bệnh rất nhạy với hoá trị, tỷ lệ khỏi gần như 100% và tỉ lệ tái phát dưới 1%.
Khi thấy các triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường, bụng dưới đau, to ra, nôn hoặc nôn nhiều, đau ngực, khó thở, ho ra máu... cần phải đến bệnh viện khám ngay.
Bác sĩ Thắng cho biết khi được chẩn đoán ung thư nhau thai, tuỳ vào trường hợp các bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị. Với bệnh nhân lớn tuổi, không có nhu cầu sinh con, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt tử cung (dạ con), sau đó điều trị hóa chất.
Nếu bệnh nhân trẻ, còn nhu cầu sinh con, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hóa chất để sau khi khỏi bệnh, họ vẫn giữ được tử cung và có thể tiếp tục mang thai. Sau khi điều trị hóa chất và khỏi bệnh, bệnh nhân sẽ phải theo dõi sự tái phát của ung thư trong vòng 1 - 1,5 năm, phụ thuộc mức độ mắc bệnh.
Để phòng và phát hiện sớm ung thư nhau thai, bác sĩ khuyên khi mang thai, nên khám ngay để biết thai của mình có bình thường hay không, phải được theo dõi thai tốt nhằm tránh phát hiện muộn những trường hợp thai bất thường như thai ngoài tử cung, thai trứng, thai lưu, thai dị tật, ung thư nhau thai...